ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN HÀ ĐÔNG TRƯỜNG THCS PHÚ LÃM ------------
BÀI DỰ THI GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN “NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT” NĂM HỌC: 2023 - 2024
Người dự thi : Lê Thị Huyền
CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ TỐ QUYÊN TỰ HÀO NGHỀ “TRỒNG NGƯỜI”
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay Người ta bảo là nghề trong sạch nhất Có một nghề không trồng cây trên đất Lại nở cho đời những đóa hoa thơm”
Cứ mỗi lần nghe những câu thơ ấy lòng tôi lại bâng khuâng, xao xuyến, xen lẫn niềm tự hào khi nghĩ tới cô giáo Nguyễn Thị Tố Quyên – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Phú Lãm, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Gia đình: Truyền thống hiếu học Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, tiếp nối sự nghiệp trồng người. Bố của cô là thầy giáo: Nguyễn Anh Thái - Nguyên là chuyên viên PGD Thanh Oai, Hà Nội, một người cha mẫu mực, nghiêm khắc, yêu thương con; rất tận tâm với nghề ấy đã truyền lửa cho cô từ khi còn bé thơ, cho đến lúc trưởng thành. Chính điều đó đã khiến cho cô luôn cố gắng học hỏi, đã thắp sáng ước mơ cháy bỏng rằng mai này cô sẽ được đứng trên bục giảng, dẫn các em học sinh đến với những chân trời tri thức, góp phần hình thành nhân cách, đạo đức tốt đẹp cho các em. Để mai này những cô bé, cậu bé với đôi mắt tròn xoe, nụ cười tươi rói ấy sẽ trở thành những con người có ích cho đời, góp phần dựng xây quê hương, đất nước. Hình ảnh người cha mẫu mực, nghiêm khắc của cô thầy Nguyễn Anh Thái
Miền quê – nơi nuôi dưỡng những ước mơ. Sinh ra tại Vũ Lăng, Dân Hoà, Thanh Oai, là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống lịch sử lâu đời. Đây là mảnh đất khoa bảng với 46 vị được ghi danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội 40 km về phía Tây, nơi gắn liền với những nhân vật lịch sử lỗi lạc như: Đỗ Cảnh Thạc, Bùi Mộ, Nguyễn Trực, Phạm Bá Ký… (Hình ảnh thôn Vũ Lăng, Dân Hoà, Thanh Oai) Nhiệt huyết, đam mê nơi trái tim ấy – nghề dạy học cao quí! Cô thiếu nữ năm nào với niềm đam mê dạy học cô quyết tâm thi đỗ vào trường CĐSP Hà Tây rồi về nhận công tác tại trường THCS Phú Lương, Thanh Oai tháng 9/1992. Với lòng yêu nghề sâu sắc, “bông hoa” ấy đã tỏa cho đời hương thơm của những tiết dạy lí thú, bổ ích. Cô đã dẫn dắt biết bao thế hệ học trò cập bến bờ tri thức. Cũng tại mái trường này, cô còn là người thầy “đặc biệt”, bởi cô không những phải làm nhiệm vụ giảng dạy học trò như các giáo viên khác, mà còn phải gánh trên vai bao trách nhiệm nặng nề. Cô còn là một giáo viên chủ nhiệm giỏi, có “tâm” - là chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình học sinh, giữa các giáo viên bộ môn với học sinh. Trong nhiều tình huống, cô còn là người cha, người mẹ, người bạn, là chỗ dựa tinh thần của học sinh. Chính vì vậy, nhiều học sinh sau khi trưởng thành vẫn tìm trở về với cô, vẫn luôn giãi bày tâm sự sẻ chia với cô, nhất là những học sinh “cá biệt”, nhờ sự quan tâm, động viên của cô giờ đã trở thành những con người có nghề nghiệp ổn định, có chỗ đứng trong xã hội, có một mái ấm gia đình bình yên thì không thể không nhớ tới công ơn của cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết và tài năng. Thành quả đạt được đó là nhiều năm liền cô đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện. Hình ảnh học sinh cũ về thăm trường và cô chủ nhiệm. Cô quyên chụp chung với học sinh trong trường Không chỉ giỏi trong công tác chủ nhiệm cô Nguyễn Thị Tố Quyên còn là một giáo viên Ngữ văn giỏi về trình độ chuyên môn. Từ khi mới ra trường - năm học 1993-1994 cô đã tham gia dự thi GVDG môn Ngữ văn cấp huyện và đã đạt được giải Nhất. Sau 31 năm ra trường cô đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giành nhiều giải cao trong các kì thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp quận những tiết học cô dạy như có lửa của lòng nhiệt huyết, say mê, học sinh cũng như người dự đều “bị” lôi cuốn vào những lời giảng nhẹ nhàng, truyền cảm, những cách tiếp cận bài giảng nhẹ nhàng, sâu sắc. Kết quả đạt được trường THCS Phú Lương nhiều năm liền có HS đạt giải Nhất, Nhì cấp Huyện, cấp Quận và đạt giải cấp cấp Tỉnh, cấp Thành phố; tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh thi vào 10 THPT công lập đạt từ 80% trở lên. Mà cô Nguyễn Thị Tố Quyên là một trong những người đóng góp sức mình nhiều nhất. Người quản lí có duyên với việc khó. Chính những đóng góp to lớn của mình với nghề với kết quả đạt được trong quá trình công tác, được sự tín nhiệm của bạn bè đồng nghiệp, của phụ huynh học sinh mà vào tháng 5 năm 2013 cô Nguyễn Thị Tố Quyên đã được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường THCS Phú Lương. Trong những năm cô giữ cương vị mới đã góp phần rất lớn cho công tác quản lí chuyên môn, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đồng nghiệp nhất là các đồng nghiệp trẻ mới ra trường được sự giúp đỡ dìu dắt của cô mà môn Ngữ văn nói riêng, môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng có sự đổi mới đáng kể. Cô luôn được các bạn bè đồng nghiệp yêu quý, tự hào. Chính vì liên tục nhiều năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị Phó hiệu trưởng nên cô đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm chức Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lãm tháng 11 năm 2018, trên cương vị Hiệu trưởng cô luôn tâm niệm một điều đơn giản bản thân là giáo viên và làm gì cũng phải dạy thật tốt để lan toả đến bạn bè đồng nghiệp dạy tốt. Chính vì vậy tháng 10 năm 2020 cô vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2019-2020. Cô Nguyễn Thị Tố Quyên nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lần đầu gặp cô, khi cô về nhận công tác tại trường THCS Phú Lãm với cương vị mới Hiệu trưởng nhà trường. Dáng người cao, to khác biệt với chị em nữ “thấp bé nhẹ cân” của trường tôi nhưng cô có giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, cuốn hút và đầy nội lực. Nụ cười, ánh mắt thật đôn hậu, xóa tan khoảng cách giữa “Sếp” và nhân viên ngay trong phút đầu gặp gỡ. Về với trường THCS Phú Lãm của chúng tôi để công tác, đặc biệt đảm nhận chức vụ lãnh đạo của người đứng đầu, khỏi phải nói, chúng tôi cũng biết cô sẽ gặp khó khăn như thế nào? Làm thế nào để thu hút học sinh đây, làm thế nào để tạo dựng được sự tin tưởng để phụ huynh gửi gắm con cái trong khi chất lượng “đầu vào” thấp, chất lượng “đầu ra” cũng chưa được cao, trong khi xung quanh, bước ra khỏi cổng trường thôi là có biết bao trường có tên có tuổi như: THCS Phú Lương, THCS Phú La, Lê Lợi,… Mà đặc biệt ngôi trường vốn có “truyền thống” nội bộ lục đục, đơn thư nặc danh, đội ngũ giáo viên không đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ (bảo thủ, không muốn thay đổi), thiếu giáo viên vững vàng chuyên môn, học sinh chưa chăm ngoan, ý thức chưa tốt, chất lượng thi vào 10 THPT thấp nhất trong quận, số lượng học sinh quá ít (năm 2018-2019 trường công lập có số HS ít nhất quận)… Thế mà, người quản lí ấy không hề “nản” dẫu biết rằng đây thực sự là khó khăn lớn đối với nữ hiệu trưởng mới. Nhưng rất nhanh chóng, cô đã quyết định được hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường, "kéo" học sinh quay lại trường học đúng tuyến, đó là: phải tham mưu tích cực, hiệu quả với địa phương cũng như các cơ quan, ban, ngành của quận trong công tác xây dựng cơ sở vật chất nhà trường; củng cố, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, xây dựng mối đoàn kết nội bộ nói không với sự lôi kéo, chia bè kết phái trong nhà trường, … Nỗ lực, cố gắng, song khó khăn, nan giải nhất liên quan đến đội ngũ vì những gì là cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ không dễ gì thay đổi. May mắn, đúng lúc đó, cô cũng thường xuyên được tham dự các lớp tập huấn đổi mới về phương pháp. Vận dụng những tri thức học được từ khoá học Thạc sĩ về quản lý giáo dục tại Học viện Chính trị, mời được những chuyên gia là giảng viên nổi tiếng trường Đại học sư phạm Hà Nội đến trường để hỗ trợ giáo viên về phương pháp, các giáo viên cốt cán trường bạn về hỗ trợ trong công tác ôn thi vào 10 THPT. Cân đối thu chi tiền trong ngân sách nhà trường, làm công tác xã hội hoá thuê giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tăng cường dự giờ đồng nghiệp để học hỏi chuyên môn nghiệp vụ, lựa chọn giáo viên có trình độ chuyên môn, nhiệt tình trong giảng dạy đảm nhiệm các lớp cuối cấp và đầu cấp.
Cô Nguyễn Thị Tố Quyên trong buổi lễ tốt nghiệp Thạc sĩ quản lí giáo dục. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, giờ đây, chúng tôi đã thấy nụ cười trên môi của cô. Trường THCS Phú Lãm, nhiều năm liền liên tục đạt danh hiệu trường Tiên tiến cấp quận, chất lượng dạy và học trong nhà trường được nâng cao, năm nào trường cũng có giáo viên giỏi, học sinh giỏi cấp quận, chất lượng mũi nhọn được nâng cao tỉ lệ học sinh giỏi cấp quận năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt tỉ lệ học sinh thi đỗ vào 10 THPT công lập đã cải thiện đáng kể nếu như trước đây nằm trong những trường thấp nhất quận thì giờ đây tổng điểm ba môn, số lượng học sinh thi đỗ vào 10 cao hơn rất nhiều so với các trường lân cận như Biên Giang, Đồng Mai, Yên Nghĩa. Đặc biệt môn Ngữ văn do cô trực tiếp chỉ đạo năm nào cũng giữ vị trí các trường có điểm thi cao trong toàn quận, vượt xa các trường lân cận. Trường bây giờ đã là địa chỉ tin cậy của phụ huynh gửi gắm con em mình vào đây, minh chứng rõ nét nhất tỉ lệ học sinh nhà trường tăng nhanh khi cô về nhận công tác trường mới có hơn 300 học sinh vậy mà chỉ trong một nhiệm kì đã tăng lên gấp ba, số học sinh hiện nay – năm học 2023-2024 có gần một nghìn học sinh theo học. Chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp tăng nhiều so với số lượng học sinh tiểu học đưa lên. Học sinh các trường tiểu học lân cận như Phú La, Phú Lương đã rút hồ sơ nhập học tại trường. Cô Nguyễn Thị Tố Quyên dự giờ, hướng dẫn đồng nghiệp trong công tác chuyên môn. Tôi còn nhớ thời gian đầu, giáo viên không tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn về mục tiêu cần hướng tới. Nếu như trước, giáo viên soạn bài, lên lớp giảng bài, hết giờ thì thôi, không cần biết sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh không hiểu bài..., thì giờ đây, các thầy cô cần phải biết trong giờ dạy, học sinh học được gì; vì sao học sinh không học được để có những điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với từng lớp, từng học sinh, làm thế nào để học sinh có hứng thú với giờ học… Để làm được điều này, với sự quan tâm sát sao của mình, cô đã tăng cường chỉ đạo các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Nghĩa là, giáo viên thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học? Vì sao học sinh đó không học? Vì sao học sinh đó chưa hiểu và người dự cũng quan sát như vậy. Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho những tiết dạy sau. Hình ảnh giáo viên tham gia cuộc thi giáo viên giỏi, thành tích đạt được của thầy và trò nhà trường. Cơ sở vật chất hiện nay của Nhà trường đã được Quận quan tâm đầu tư xây dựng, chỉnh trang hiện đại và đồng bộ, nổi bật là hệ thống phòng học đủ tiêu chuẩn đáp ứng rất tốt nhu cầu phát triển về cả số lượng và đòi hỏi cao về chất lượng giáo dục. Giờ đây, ngôi trường mà tất cả giáo viên, phụ huynh, học sinh mơ ước đã thành sự thật, khẳng định sự lớn mạnh, uy tín của Trường. Đây là bước chuyển mình lớn nhờ vào công sức chung của cả tập thể do cô Nguyễn Thị Tố Quyên là người đứng đầu.
Hình ảnh ngôi trường THCS Phú Lãm khang trang với phòng học đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học Một nhà giáo có trái tim nhân hậu, giàu tình yêu thương. Nhà cách mạng người Thổ Nhĩ Kì Mustafa Kernal Ataturk đã nói “Một thầy giáo tốt như một ngọn nến – ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác”. Không hiểu sao mỗi lúc ngẫm nghĩ về câu nói ấy, trong lòng tôi và các đồng nghiệp trong trường lại nghĩ đến người bí thư chi bộ, Hiệu trưởng của mình. Một người mà luôn dành tình cảm, sự lắng nghe, chia sẻ và cảm thông sâu sắc tới các đồng nghiệp của mình. Cô luôn dành thời gian động viên, quan tâm, hỏi han đến từng cán bộ giáo viên trong tổ. Tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, chia sẻ trong cuộc sống. Vào các ngày lễ như 20/10, 20/11, 8/3 cô tổ chức gặp mặt các gia đình, đầu năm học tổ chức liên hoan, tặng quà, chia vui cùng các đồng nghiệp có con thi đỗ vào 10 THPT, thi đỗ Đại học,.. nhằm động viên khích lệ sự cố gắng vươn lên của các con. Vì vậy mà tình cảm gia đình các đồng nghiệp trong trường ngày càng gắn bó, yêu thương nhau nhiều hơn. Ảnh gặp mặt các gia đình trong nhà trường Cô Nguyễn Thị Tố Quyên còn là người có tấm lòng nhân hậu hết mực yêu thương học trò và những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi được bổ nhiệm về làm Hiệu trưởng trường năm nào cũng vậy, cứ đến dịp đầu năm học, tết Nguyên Đán, tổng kết năm học cô lại trích ra một số tiền để tặng quà cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Không những thế cô còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, thời gian dịch Covid 19 với tấm lòng tương thân tương ái vì cộng đồng, không quản đến việc khó khăn, không màng đến lợi ích của bản thân, cô đã tích cực tham gia thiện nguyện tặng gạo, mì tôm, tiền mặt cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường. Bởi lẽ theo cô: “Người giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải biết đồng cảm, thương yêu, dùng tình thương để cảm hoá học trò”. Hình ảnh Cô Nguyễn Thị Tố Quyên trao quà cho những học sinh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phú Lãm. Để phụ huynh yên tâm đi làm không phải băn khăn đưa đón, ăn uống cho con cô đã liên kết bếp ăn Hoa Sữa nấu ăn bán trú cho những học sinh có nhu cầu với những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, sạch sẽ, chế độ chăm sóc tận tình chu đáo của nhân viên phục vụ khiến phụ huynh, học sinh yên tâm và trường đã nhận được rất nhiều lời khen của phụ huynh học sinh. Hình ảnh bữa cơm ngon đủ dinh dưỡng và sự chăm sóc nhiệt tình chu đáo của thầy cô đặc biệt là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Tố Quyên. Người có duyên với thành tích, giấy khen! Trong ba mơi mốt năm gắn bó với nghề thì cô Nguyễn Thị Tố Quyên đã có hơn hai lần được tặng giấy khen Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp Quận, cấp Thành phố, SKKN cấp Thành phố, bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về những đổi mới đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Vì vậy mà cô giáo Nguyễn Thị Tố Quyên đã rất xứng đáng khi được chọn là Nhà giáo Thủ đô tâm huyết sáng tạo. Không chỉ thành công trong sự nghiệp mà cô Nguyễn Thị Tố Quyên còn có một mái ấm gia đình hạnh phúc mà ai cũng ngưỡng mộ. Trong gia đình cô là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, chu toàn mọi việc. Cô có một người chồng cũng là nhà giáo nên anh luôn thấu hiểu, sẻ chia hết lòng vì vợ là “cánh tay” đắc lực giúp cho cô có được thành công như ngày hôm nay. Cô có hai cậu con trai ngoan, học giỏi, yêu thương, hiếu thuận với mẹ. Chính điều đó là nguồn động lực động viên, cổ vũ giúp cô thành công hơn trong sự nghiệp trồng người. Hôm nay, khi nền giáo dục của nước nhà, của Thủ đô đang ngày một khởi sắc, chúng tôi bỗng cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn khi đã được sống, được làm việc bên cạnh những con người đầy nhiệt huyết với nghề như vậy. Tự hứa với lòng sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa để vườn hoa giáo dục luôn tỏa hương thơm ngát. Mai đây dù có đi đâu vẫn mãi nhớ về mái trường nhỏ thân yêu, nhớ về hình ảnh người quản lí cần mẫn, gần gũi, giàu tình yêu thương rất đáng quí, đáng trọng ấy! Cô Nguyễn Thị Tố Quyên!